Từ “tsunami” là một trong số ít những từ Nhật Bản được cả thế giới sử dụng, để chỉ những thảm họa tự nhiên vốn đã quen thuộc với nước này.
Nhưng dù đem so với lịch sử thương đau, thì hoàn cảnh của nước Nhật ngày hôm nay vẫn rất khốn khổ. Trận động đất 9 độ richte – lớn nhất trong lịch sử – và sau đó là sóng thần đã cuốn trôi toàn bộ nhiều thị trấn.
Theo thông tin từ những cộng đồng ven biển chịu ảnh hưởng, quy mô thiệt hại vẫn chưa ngừng gia tăng. Nước lạnh tràn vào, xô đẩy những mảnh vụn từ các thị trấn bị phá hủy vào sâu hàng dặm trong đất liền, lấy đi sinh mạng của những người già yếu hoặc những người chậm chân không kịp trèo lên nơi cao ráo để thoát nạn. Con số chính thức 5,429 người chết chắc chắn sẽ còn tăng lên. Ở một vài thị trấn, hơn một nửa dân số đã hoặc chết đuối hoặc mất tích.
Qua việc đối mặt với thiên tai, người Nhật đã chứng minh được sự tử tế và khả năng hồi phục nhanh chóng của mình: không cướp bóc, và rất ít lời than vãn từ những người còn sống sót sau sóng thần. Tại Tokyo, mọi người kiên nhẫn xếp hàng chờ đợi để nộp thuế đúng hạn.
Khắp nơi mọi người bình tĩnh đến đáng kinh ngạc, như thể người ta đã phù phép để có được trật tự trong cảnh hỗn loạn. Tình nguyện viên nhanh chóng đến cứu trợ. Lực lượng phòng vệ Nhật Bản, đơn vị từng ngần ngại trong phản ứng trước động đất tại Kobe năm 1995, cũng đã tới những khu vực bị chấn động.
Thủ tướng Naoto Kan, người từng bắt đầu cuộc khủng hoảng với rất ít hỗ trợ công cộng, cho đến nay vẫn duy trì được trật tự trong nước, bất chấp hàng loạt thiên tai có thể thách thức cả những nhà lãnh đạo giỏi nhất. Khả năng xử lý kém cỏi của chính phủ trong thảm họa Kobe trước đây đã từng làm suy yếu niềm tin của chính Nhật Bản.
Mối lo rộng hơn
Thảm kịch hiện tại có thể là của riêng Nhật Bản, nhưng nó cũng làm dấy lên những câu hỏi trong dài hạn mà cuối cùng sẽ có ảnh hưởng đến người dân toàn cầu. Thị trường chứng khoán đã vấp phải nỗi lo về những chấn động của nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới. Ngân hàng Trung ương Nhật dường như đang nỗ lực trấn tĩnh những hoang mang tài chính bằng cách bơm thêm tiền ra thị trường.
Những ước tính lúc trước cho rằng tổng thiệt hại lần này cao hơn so với mức 100 tỷ đôla trong thảm họa Kobe, nhưng vẫn không đủ để hủy hoại một quốc gia giàu có. Sức tăng trưởng sẽ chịu ảnh hưởng do thiếu điện, và một vài chuỗi cung ứng tại châu Á cũng đã gặp vấn đề, nhưng chi tiêu cho cơ sở hạ tầng mới rồi sẽ làm giảm ảnh hưởng của động đất với đà tăng trưởng.
Song những tính toán đó có thể thay đổi đáng kể nếu khủng hoảng hạt nhân trở nên trầm trọng hơn. Các máy bay trực thăng đã đổ nước để hạ nhiệt nhiên liệu hạt nhân quá nóng lưu trữ tại nhà máy Fukushima Daiichi, nơi có lẽ đã xảy ra những vụ cháy nổ và rò rỉ phóng xạ nghiêm trọng hơn so với những gì giới chức Nhật Bản thừa nhận.
Công nghiệp hạt nhân tại Nhật Bản có một lịch sử lâu dài về sự yếu kém và vi phạm quy định, và – chưa kể đến chủ nghĩa cá nhân của công nhân trong ngành – cách xử lý khủng hoảng của TEPCO, công ty điều hành nhà máy hạt nhân, đáng buồn là cũng kém cỏi như trong câu chuyện trước kia.
Cho dù tai nạn hạt nhân nhanh chóng được kiểm soát, và rò rỉ phóng xạ không đủ lớn để ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng, thì tai nạn này vẫn có tác động đối với công nghiệp hạt nhân, cả trong và ngoài nước Nhật. Đức đã tạm hoãn các quyết định chính trị phức tạp nhằm kéo dài tuổi thọ cho các nhà máy hạt nhân của mình. Mỹ chắc chắn sẽ tái thiết lập kế hoạch xây dựng lò phản ứng hạt nhân mới, nhất là khi những nỗi lo mới rồi sẽ đẩy chi phí lên cao hơn.
Trung Quốc đã thông báo tạm ngưng kế hoạch phát triển công nghệ hạt nhân đầy tham vọng. Với 27 lò phản ứng đang được xây dưng, nhiều hơn gấp đôi so với bất cứ quốc gia nào, Trung Quốc chiếm gần một nửa tổng số nhà máy hạt nhân đang thi công trên toàn thế giới, và nước này còn đang có kế hoạch xây dựng thêm 50 lò phản ứng nữa. Trong dài hạn, có vẻ Trung Quốc sẽ không chùn bước khi thực hiện những kế hoạch đó.
Trung Quốc đang khát năng lượng tột độ, và đã lên kế hoạch phát triển mạnh năng lượng gió, khí đốt, các công trình hạt nhân, và nhất là các nhà máy nhiệt điện chạy bằng than.
Do đó, công nghiệp hạt nhân đang rơi vào tình trạng tiến thoái lưỡng nan. Để đạt được an toàn trong sản xuất hạt nhân, chúng ta không chỉ cần có kế hoạch tốt và kĩ thuật tốt. Chúng ta cũng cần một xã hội có hệ thống sản xuất đáng tin và minh bạch, xã hội có các cơ quan thể chế được và đáng được tin tưởng.
Chưa có một nước nào thực hiện thực sự tốt điều này, và thất bại của Nhật Bản chính là minh chứng rõ ràng cho điều đó.
Năng lượng hạt nhân có lợi thế là một nguồn năng lượng đáng tin cậy, mang đến sự đảm bảo nguồn năng lượng, và không tạo ra khí thải cacbon đioxit ngoài quá trình xây dựng và cung cấp cho các nhà máy.
Tính cho đến nay, năng lượng hạt nhân cũng đã cướp đi rất nhiều sinh mạng. Không có thống kê chắc chắn về số người chết vì tai nạn hạt nhân ở Chernobyl, nhưng con số ước tính cũng lên đến vài ngàn người.
Các mỏ than tại Trung Quốc có lẽ phải cướp đi 2000 – 3000 sinh mạng công nhân mỗi năm, và khói than ở những nơi đó cũng có thể hại chết rất nhiều người. Các nước giàu có vẫn có lý do hợp lý để tiếp tục đầu tư cho năng lượng hạt nhân, nhất là nhờ việc duy trì hoạt động kinh tế và công nghệ trong lĩnh vực hạt nhân, họ sẽ đảm bảo được vị thế của mình đối với tiêu chuẩn an toàn cao và với việc không phổ biến vũ khí hạt nhân trên toàn thế giới. Nhưng khi phải đối mặt với nỗi sợ hãi, với những cột khói tai họa, với những mối đe dọa vô hình không thể tránh khỏi, thì hướng đi đúng đắn là hướng đi không hề dễ dàng.
Trở lại với Tokyo
Không có quốc gia nào lại phải đứng trước sự lựa chọn một cách đau thương như Nhật Bản. Từ bỏ năng lượng hạt nhân nghĩa là buộc đất nước phải nhập khẩu một lượng khổng lồ khí đốt và thậm chí là than. Tiếp tục công nghiệp hạt nhân có nghĩa là phải đối mặt và vượt qua những thương đau của quốc gia, đồng thời chấp nhận rủi ro tuy nhỏ nhưng rất thực tế về thảm họa khác.
Những thảm họa quá thường xuyên đối với Nhật Bản cho thấy theo sau những sự kiện đó thường là các thay đổi lớn. Sau trận động đất năm 1923, Nhật Bản chuyển sang chế độ quân phiệt. Sau thất bại trong chiến tranh Thế giới II, và lãnh 2 quả bom nguyên tử, Nhật tán thành phát triển hòa bình.
Trận động đất tại Kobe đã buộc Nhật Bản phải tự đứng dậy.Thảm họa mới này dường như cũng có tác động lớn đối với tinh thần quốc gia. Rất có thể phản ứng ấn tượng của người dân Nhật trước thảm họa, và nỗi sợ hãi của người dân những nơi khác, đang mang lại niềm tin bản thân vốn rất cần thiết cho Nhật Bản. Rất có thể sự thất bại do hệ thống điều hành thiếu minh bạch, được minh chứng bởi trình độ quản lý yếu kém của các nhà máy hạt nhân, sẽ dẫn đến nhu cầu lớn cho cải cách chính trị.
Theo Thu Thủy
Trả lời