Không phải ngẫu nhiên con người Nhật Bản được cả thế giới ca ngợi với những đức tính vô cùng đáng quý. Đó là kết quả của cả một quá trình mà ở đó giáo dục mầm non luôn luôn được chú trọng và quan tâm hàng đầu.
Giáo dục mầm non của Nhật trang bị cho trẻ em Nhật những tư chất và đức tính đẹp của con người Nhật ngay từ khi còn bé. Nền giáo dục đó có rất nhiều nét đặc sắc mà Việt Nam chúng ta cần học hỏi. Dưới đây là những nét hay đặc sắc của giáo dục Nhật Bản.
2.1 Giáo dục nhân cách được ưu tiên hàng đầu
Giáo dục mầm non ở Nhật không chú trọng đến việc dạy kiến thức cho những đứa trẻ. Từ đầu tiên các cô giáo mầm non ở Nhật dạy trẻ đó là từ “cảm ơn”.Người Nhật vốn rất coi trọng lễ nghĩa và họ cho rằng giai đoạn vài năm đầu đời là giai đoạn vô cùng quan trọng để hình thành nhân cách trẻ sau này. Vì thế nhà trường không đặt nặng về vấn đề kiến thức học vấn, mà chú trọng đến việc giáo dục lễ nghĩa, phép tắc, học cách để trở thành một con người có ích cho xã hội. Ngoài ra chúng còn được dạy cách luôn mỉm cười và tinh thần lạc quan. Một đứa trẻ đáng yêu là một đứa trẻ luôn mỉm cười và biết nói lời cảm ơn.
2.2 Dạy trẻ tính tự lập, kỉ luật từ nhỏ
Ở Nhật trẻ em xách theo rất nhiều loại túi tới trường: Túi sách vở, túi bao ngoài, túi dụng cụ ăn uống, hộp dụng cụ ăn uống, túi quần áo, túi đựng quần áo sẽ thay, túi đựng quần áo sau khi thay ra và túi giày. Mỗi loại túi lại có quy định về kích cỡ khác nhau. Điều đáng ngạc nhiên là cha mẹ Nhật sẽ để chúng tự xách đồ của mình. Đây cũng là yêu cầu từ phía nhà trường. Dần dần trẻ tự ý thức rằng đó là công việc của mình.
Ban đầu chúng có thể làm rất chậm và chưa thuần thục. Tuy nhiên chính điều này sẽ tạo cho chúng thói quen tự lập và tự quản lý những công việc cá nhân.
Ngoài ra những chiếc túi mang theo bên mình khiến trẻ em luôn ý thức được việc phân loại đồ dùng và thậm chí là phân loại rác. Nhờ vậy mà tính kỷ luật của trẻ em Nhật Bản được các em rèn luyện một cách bài bản và chặt chẽ.
Quan điểm giáo dục của Nhật cho rằng, điều gì trẻ tự làm được thì khuyến khích trẻ tự làm theo từng lứa tuổi. Vì thế trẻ bắt đầu được để cho tự ăn từ khi bắt đầu hơn 1 tuổi, tự mặc quần áo khi được gần 2 tuổi, tự đi dày, tự dọn đồ chơi của mình sau khi chơi xong …Các cô chỉ giúp đỡ trẻ chứ không hoàn toàn làm thay.
Số giáo viên phụ trách trong một lớp mầm non cũng ít. Một lớp mầm non lớn từ 10-30 trẻ thường chỉ có 1-2 giáo viên phụ trách. Lí do bởi vì các bé tự lập cao và sinh hoạt theo quy củ.
2.3 Giáo dục thông qua trải nghiệm thực tế và cuộc sống gần gũi hàng ngày
Quan điểm cơ bản của giáo dục Nhật Bản là: “Tạo điều kiện tối đa để trẻ tự trải nghiệm và khám phá”.
Trẻ em ở Nhật được tham gia rất nhiều hoạt động như dã ngoại,trồng cây …”. Các bé được trực tiếp trồng lúa hoặc các loại rau củ trong vườn cây hoặc bồn hoa của trường. Các bé sẽ tự gieo hạt, chăm sóc, cho tới thu hoạch, có giáo viên hướng dẫn nhưng chủ yếu là các bé tự làm. Nhờ đó mà trẻ hiểu được nỗi vất vả của những người nông dân cũng như thêm trân trọng những sản phẩm mà chúng sử dụng hàng ngày và biết tiết kiệm.
Các giáo viên ở đây cũng quan niệm rằng để trẻ tự khám phá thế giới ,trẻ sẽ nhớ lâu hơn. Điều này còn làm tăng sự tò mò và tính ham học hỏi cho trẻ.
Ngoài ra ở trường mầm non Nhật Bản cũng không hề có lao công. Các bé sẽ phải phân chia nhau để làm các công việc như lau dọn vệ sinh lớp học, thu dọn đồ chơi,nhà ăn hay nhà vệ sinh. Qua đó cũng rèn cho chúng tinh thần trách nhiệm với công việc được giao và ý thức giữ gìn vệ sinh sạch sẽ.
2.4 Trẻ được rèn luyện sự tự tin và tính hòa đồng thông qua các trải nghiệm
Trẻ được cha mẹ cho tham gia buổi cắm trại qua đêm ở trường do nhà trường tổ chức. Nhờ đó sự tự tin, lòng dũng cảm cũng như tinh thần tập thể được tôi luyện ngay từ khi còn nhỏ. Trẻ tỏ ra vô cùng hứng thú và để lại trong chúng những ấn tượng sâu sắc.
Trẻ còn được tham gia vào các đại hội thể thao lớn nhỏ ngay khi chưa đầy một tuổi. Chúng đều rất tự tin và bản lĩnh khi thi đấu trước đám đông.
Ở trường học, các trò chơi tập thể luôn được ưu tiên. Chúng thỏa sức vui đùa và tham gia các hoạt động theo nhóm. Không tồn tại bất kỳ sự phân biệt hay kì thị nào, chúng học được cách giúp đỡ người khác cùng tiến bộ cũng như hòa đồng với tất cả mọi người.
2.5 Chú trọng đến phát huy ưu điểm của từng cá nhân cũng như tôn trọng ý kiến của trẻ
Trẻ em ở Nhật có quyền lựa chọn những môn mình thích và làm những gì mình cảm thấy hứng thú. Chúng cũng có nhiều cơ hội để khám phá bản thân thông qua những buổi ngoại khóa như nấu ăn, thi đấu thể thao. Nhờ đó mà trẻ không có cảm giác sợ học cũng như áp lực về điểm số.
Cha mẹ cũng thường tạo điều kiện cho trẻ được tự do bày tỏ ý kiến cũng như suy nghĩ riêng của mình. Sau mỗi buổi đi học về, trẻ thường được cha mẹ hỏi về buổi học ở trường, và tự do bày tỏ suy nghĩ của riêng mình.
Trong thời gian ở trường các bé được tự do chơi và làm thứ mình thích. Các cô giáo hoàn toàn không can thiệp vào quá trình vui chơi của trẻ, chỉ đứng từ xa quan sát và hỗ trợ khi cần thiết…
Đồ chơi trong trường cũng vô cùng phong phú và đa dạng . Chúng đều có đặc điểm chung là giúp trẻ phát triển trí thông minh và khả năng sáng tạo. Trẻ sẽ phải suy nghĩ, tìm tòi cách chơi, cách kết hợp những thứ có sẵn trong lớp học hoặc ngoài sân để có được những trò chơi thú vị.
2.6 Rèn luyện thể chất cho trẻ
“Lý do chúng tôi gửi con đến học mẫu giáo là để bị bệnh.”
Đây là câu trả lời của các bà mẹ Nhật khi được hỏi về vấn đề đau ốm của trẻ khi đi học. Điều đặc biệt là dù mùa đông có lạnh đến cỡ nào thì trẻ em vẫn mặc quần short( quần đùi) đi học. Điều này giúp chúng dễ dàng tham gia vào các hoạt động ở trường.
Đồng thời khả năng chịu đựng là điều rất cần thiết, mang tính sống còn ở một đất nước có nhiều thiên tai và khí hậu khắc nghiệt như Nhật Bản.
Cha mẹ Nhật được khuyến khích không nên bao bọc trẻ quá kỹ càng. Chúng được trải nghiệm với nhiều điều kiện khác nhau. Đây cũng là một hình thức để rèn luyện thể lực và sức đề kháng.
Điều đáng sợ không phải trẻ bị ốm, mà trẻ đi học cần được vui vẻ và học được nhiều điều từ thế giới bên ngoài.
– ST –
Trả lời