Kinh tế Nhật Bản thời kỳ Heisei (Phần 2)

Bài viết thứ 2 này tập trung vào giai đoạn cuối những năm 1990. Hậu quả của bong bóng kinh tế bắt đầu với nợ xấu, khủng hoảng tài chính, giảm phát, nhưng phần đông mọi người đều không nhận ra được mức độ nghiêm trọng của nó.

Mục lục

  1. Nỗ lực đối với những khoản nợ xấu quá hạn
  2. Xảy ra khủng hoảng tài chính
  3. Lịch sử trước giảm phát
  4. Thách thức đối với việc cải cách cơ cấu của Nội các Hashimoto
  5. Bài học cho đến hiện nay
  1. Nỗ lực đối với những khoản nợ xấu quá hạn

Khi nền kinh tế bong bóng bị vỡ, hẳn nhiên sẽ dẫn đến những vấn đề trong điều chỉnh bảng cân đối kế toán và sự tồn đọng nợ xấu ở các tổ chức tài chính. Sự tồn tại của các khoản nợ xấu làm suy giảm sức mạnh của các tổ chức tài chính, gây cản trở sự hồi phục của nền kinh tế. Do vậy, sử dụng tiền thuế để nhanh chóng giải quyết vấn đề là một điều nên làm. Tuy nhiên, đây là điều mãi tận sau này mới được biết đến, còn tại thời điểm bấy giờ không ai hiểu được điều này. Dưới đây là 2 ví dụ được đưa ra để minh chứng cho điều này.

Đầu tiên, ngược dòng thời gian một chút để nói đến sự thất bại của “sáng kiến Miyazawa” vào mùa hè năm 1992. Thủ tướng Miyazawa Kiichi, người nhận ra sự rớt giá nghiêm trọng của cổ phiếu, đã cho rằng nên sử dụng các ngân sách chính phủ để xử lí nợ xấu của các tổ chức tài chính. Tuy nhiên, không ai tán thành điều này. Các chính trị gia né tránh vì “nếu dùng tiền của công để cứu các Ngân hàng thì sẽ vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của người dân”. Các tổ chức tài chính lúc bấy giờ cũng cho rằng nếu sử dụng tiền ngân sách nhà nước, nhất định sẽ bị quy trách nhiệm về vấn đề kinh doanh và bản thân họ không muốn bị nghĩ rằng “các tổ chức tài chính của Nhật đang tệ hại đến như thế” nên họ đã chẳng mặn mà gì. Trong giai đoạn này nếu dứt khoát xử lý các khoản nợ xấu thì khủng hoảng tài chính có thể đã không xảy ra, việc sử dụng các khoản tiền đầu tư công cũng sẽ không tốn kém đến như thế.

Tình hình xử lý nợ xấu từ sau năm 2000

Thêm 1 điều nữa là, “vấn đề Jyusen” năm 1995. Jyusen (Công ty chuyên về tài chính nhà ở) là một công ty chuyên cho vay về nhà ở từ những năm 1970, có công ty mẹ là một tổ chức tín dụng lớn. Thời gian đầu, công ty đã thực hiện tốt chức năng của mình nhưng do sự đầu tư của các ngân hàng vào việc cho vay nhà ở dẫn đến các công ty chuyên về cho vay nhà ở bị mất thị trường, phải chuyển hướng sang đầu tư bất động sản, phát triển nhà ở. 

Điều này, do sự đổ vỡ của bong bóng kinh tế thì các khoản nợ xấu ngày càng tăng lên khiến cho việc kinh doanh của các công ty chuyên về tài chính nhà ở cũng bị sa sút nhanh chóng. Kết cục, vấn đề này được giải quyết nhờ vào sự xoá các khoản nợ đối với công ty mẹ nhưng với khoản nợ 685 tỉ yên không thể trả nổi của tổ chức tín dụng liên quan đến Nông – Lâm nghiệp đã được giải quyết bằng các khoản chi từ ngân sách (tiền thuế). Việc sử dụng ngân sách này đã vấp phải sự chỉ trích mạnh mẽ từ nhiều phía.

Tóm lại, việc sử dụng tiền thuế để giải quyết các vấn đề xảy ra do trách nhiệm của các ngân hàng và bộ tài chính là điều không thể hiểu nổi. Số tiền 685 tỷ yên này nếu so với con số đầu tư tài chính công tăng lên đến vài chục ngàn tỷ yên sau này là một con số nhỏ, nhưng việc ồn ào ở thời kì đó đã để lại một ấn tượng kinh khủng đối với chính phủ và các chính trị gia. Cho đến khi khủng hoảng tài chính xảy ra vào mùa thu năm 1997, việc tài trợ công hầu như là điều cấm kị.

  1. Xảy ra khủng hoảng tài chính 

Các tổ chức tài chính được thành lập dựa trên sự tin tưởng lẫn nhau, một khi sự tin cậy đó bị phá vỡ thì sẽ dẫn đến những việc như rút tiền đồng loạt, các tổ chức tài chính gặp khó khăn trong việc quản lí dòng tiền sẽ khó có thể phục hồi được. Việc này được viết trong sách giáo khoa nhưng có mấy ai ngờ rằng một cuộc khủng hoảng tài chính thực sự sẽ xảy ra tại Nhật.

Các sự kiện tài chính đáng kể những năm cuối thập kỷ 90

Nguyên nhân bắt nguồn từ cuộc khủng hoảng tiền tệ châu Á. Khủng hoảng tiền tệ bắt nguồn từ Thái Lan (sụt giá tiền tệ), chỉ trong một thời gian ngắn đã nhanh chóng ảnh hưởng đến các nước lân cận. Do cuộc khủng hoảng tiền tệ châu Á mà chứng khoán tại Nhật Bản cũng bị rớt giá nhanh chóng, sự giảm sút trong xuất khẩu dẫn đến sự đi xuống của nền kinh tế. 

Thêm vào đó, tình hình tài chính của các tổ chức tài chính với số nợ xấu lớn thì ngày càng xấu đi nhanh chóng. Tháng 11 năm 1997, chứng khoán của công ty đầu tư chứng khoán các doanh nghiệp lớn – Công ty Chứng khoán Sanyo đã phá sản. Vì điều này mà một phần tiền vốn (khoảng 1 tỷ yên) mà chứng khoán Sanyo điều tiết từ thị trường liên ngân hàng (việc cho vay tiền qua lại giữa các tổ chức tài chính) trở thành nợ không thể thanh khoản. Thị trường liên ngân hàng đầy sự đáng ngờ trở nên hỗn loạn và kéo theo sự sụp đổ của Ngân hàng Hokkaido Takushoku. 

Sau đó Công ty Chứng khoán Yamaichi – một trong bốn công ty chứng khoán lớn – cũng đã phá sản. Ông Nozawa Shohei, vị giám đốc cuối cùng của công ty trong buổi họp báo tuyên bố về sự phá sản đã vừa khóc vừa nói rằng “Các nhân viên không hề có lỗi. Tôi xin mạo muội nhờ sự giúp đỡ của mọi người để những nhân viên tốt này có được việc làm một lần nữa.” Hình ảnh đầy nước mắt này sau đó được giới truyền thông sử dụng nhiều lần như một hình ảnh gợi nhớ về cuộc khủng hoảng tài chính lúc bấy giờ.

  1. Lịch sử trước giảm phát

Vấn đề cốt lõi đau đầu nhất của nền kinh tế Nhật bản trong thời kì Heisei chính là giảm phát (sự mất giá liên tục của hàng hoá). Đây là điều sau này chúng ta mới nhận ra, nhưng giảm phát đã hạn chế sự gia tăng của tiền lương danh nghĩa, làm tăng lãi suất thực tế. Lạm phát không phải là một điều tốt nhưng giảm phát cũng không tốt. Nhưng lúc bấy giờ, chỉ một số ít người nhận ra điều này. Hoặc là có nhận ra nhưng họ lại nghĩ rằng “Sự suy giảm của vật giá này nằm ở mức trông đợi”. Có 2 ví dụ cho điều này.

Một là lí thuyết điều chỉnh về giá cả trong và ngoài nước. Do giá đồng yên liên tục tăng cao những năm cuối thập kỉ 80 khiến cho vật giá tại Nhật Bản (tính trên đồng đô la Mỹ) cao hơn tương đối so với các nước khác. Ý tưởng về việc điều chỉnh sự chênh lệch giữa giá cả trong nước và ngoài nước sẽ làm cuộc sống của người dân giàu có hơn đã được lan rộng và đã trở thành mục tiêu lớn trong chính sách giá cả vào đầu những năm 1990. 

Thêm 1 điều nữa, vào tháng 4 năm 1994, “kế hoạch tăng thu nhập thực tế lên gấp 2” của nội các Hata đã được lập ra. Thủ tướng Hata Tsutomu cho rằng từ giờ trở đi việc cần làm thay vì tập trung vào việc tăng trưởng cao là cần đặt mục tiêu hướng đến sự hạ giá. Nhưng trên thực tế do vấp phải sự phản đối của nhiều phía nên chính sách đó đã không được thực hiện.

Cho dù chính sách nào đi nữa, chỉ cần giá cả tại Nhật Bản giảm xuống thì thu nhập thực tế sẽ tăng lên, làm cho người dân có một cuộc sống thoải mái hơn. Nhưng, nếu vật giá giảm và thu nhập danh nghĩa dựa trên tiền lương cũng giảm thì đây là một chính sách hoàn toàn không hợp lí. Chính sách không hợp lí này ngược lại khiến cho cuộc sống của người dân ngày càng trở nên khó khăn hơn, do nó gây ra sự trì hoãn các nỗ lực giải quyết giảm phát.

  1. Thách thức đối với việc cải cách cơ cấu của Nội các Hashimoto

Nội các Hashimoto được thành lập vào tháng 1 năm 1996 với những nỗ lực trong việc cải cách cơ cấu một cách quyết liệt. Một trong số những chính sách đó vẫn còn được duy trì cho đến hiện nay và một trong số đó đã thất bại giữa chừng.

Năm 2001, Bộ trưởng Chikage Ogi, đã thành lập Bộ Đất đai, Cơ sở hạ tầng, Giao thông và Du lịch nhờ việc tổ chức lại các bộ

Nội các Hashimoto đã thực hiện cải chính trong bộ máy các cơ quan trung ương trên quy mô lớn vào năm 1999 (tiến hành tháng 1 năm 2001). Một nội các với 22 bộ ban ngành đã được tổ chức lại thành một nội các với 12 bộ và cơ quan giúp củng cố tăng cường chức năng của nội các. Cũng trong thời kì này hội đồng cố vấn về chính sách kinh tế tài chính hoạt động hiệu quả dưới thời nội các Koizumi sau này cũng đã được thành lập.

Đại diện cho những chính sách đã thất bại giữa chừng có thể kể đến cải cách cơ cấu tài chính. Thủ tướng Hashimoto Ryutaro với sự quan tâm đặc biệt về việc cải cách tài chính đã thành lập “Luật cải cách cơ cấu tài chính” năm 1997. Thông qua những điều được viết trong bộ luật về phương pháp cải chính tài chính một cách cụ thể (ví dụ như giảm tỷ lệ thâm hụt ngân sách xuống dưới 3% GDP cho đến năm 2005) đã giúp cảm nhận được nhiệt huyết phi thường của Thủ tướng Hashimoto. Nhưng mong muốn tái thiết tài bộ máy tài chính đã nhanh chóng nguội sau khủng hoảng tài chính, thủ tướng Keizo Obuchi kế tục sau đó từ năm 98 chuyển sang con đường mở rộng tài chính và tiến trình cải cách cơ cấu tài chính đã bị đình trệ.

  1. Bài học cho đến hiện nay

Chúng ta có thể rút ra được nhiều bài học quan trọng qua thời kì này.
Bài học số 1, như đã đề cập trong lần trước, là sự chậm trễ trong nhận thức kinh tế của chúng ta. Chúng ta không hề nhận ra những vấn đề về kinh tế như nợ xấu, giảm phát, khủng hoảng tài chính cho đến khi nó đi đến tình trạng nghiêm trọng. Cần đặt nhiều sự chú ý hơn vào việc hiện tại chúng ta có đang phải đối mặt với những rắc rối nào lớn hay không.

Bài học số 2, sự nguy hiểm của việc loại trừ các ý kiến đối nghịch. Việc sử dụng tiền công trong giải quyết nợ xấu cho đến khi phát sinh khủng hoảng tiền tệ đã không được bàn đến trong các tranh luận về chính sách. Đối với những người đã trải qua thời kì lạm phát, rất khó để nhận thức được rằng việc giảm giá của hàng hoá sẽ trở thành vấn đề lớn.

Bài học số 3 là sự khó khăn trong việc tái cấu trúc tài chính. Khi nhìn vào tình hình tài chính công hiện nay, có vẻ như chính phủ đang tăng chi tiêu, tăng thâm hụt ngân sách, nhưng thực sự không phải như thế. Các thủ tướng thời kì Heisei, Hashimoto, Koizumi Junichirou, Noda Yoshihikou đã rất nỗ lực trong việc tái cấu trúc bộ máy tài chính. Tuy nhiên cho đến hiện tại thì việc cải cách này không được tiến triển cho lắm. Và chúng ta cũng cần nhận thức lại về sự khó khăn của việc này một lần nữa.

– ST –

Click ➡ Học tiếng Nhật online